Để có thể tư vấn xây dựng có thể đưa ra phương án tư vấn phù hợp và thiết kế tối ưu thì việc khảo sát hiện trạng về địa điểm xây dựng, địa hình, địa chất, hiện trạng mạng lưới... là hết sức quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự thành công của dự án.
1. Khảo sát xây dựng tuyến cột treo cáp và tuyến cáp treo trên cột:
Căn cứ vào các bước cần thiết để tiến hành khảo sát công trình xây dựng tuyến cột treo cáp và tuyến cáp treo trên đường cột có sẵn, về cơ bản nội dung báo cáo khảo sát sẽ trình bày những nội dung chủ yếu sau:
- Khảo sát tuyến cột treo cáp từ... đến... (địa danh nơi xây dựng) có tổng chiều dài tuyến cáp là... m và tuyến cột là... m (trong bản vẽ hồ sơ khảo sát vẫn thể hiện vị trí dựng cột thực tế nhưng ghi chú là: vị trí dự kiến dựng cột).
- Địa hình nơi xây dựng công trình... (có thể là đồng bằng, trung du hoặc miền núi...) dọc theo đường quốc lộ, tỉnh lộ hay xuyên qua rừng, núi... là đất cấp... (I, II, III hoặc IV).
- Vị trí nơi xây dựng công trình có giao chéo với các công trình xây dựng khác như giao thông, điện lực, đường sắt hay không? (nếu có phải thể hiện rõ trong bản vẽ hồ sơ khảo sát) để xác định loại cột, độ cao cần thiết cho việc treo cáp.
- Căn cứ vào số liệu thống kê nhiều năm về tình hình giông, sét của các khu vực dọc tuyến mà quyết định xem có cần thiết sử dụng loại cột có trang bị thu lôi hay không.
- Đối với trường hợp cáp treo trên tuyến cột có sẵn, cần phải nêu rõ hệ thống cột treo cáp có đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và các yêu cầu về khoảng cách với các kiến trúc khác theo yêu cầu của ngành hay không? Nếu không, cần phải nêu rõ phương pháp gia cố tuyến cột như thế nào để đảm bảo treo cáp an toàn.
+ Số lượng, kiểu và chủng loại cột đang sử dụng trên tuyến (cột gỗ, bê tông, sắt).
+ Số đường cáp hiện tại đang mắc trên cột, vị trí cáp kéo mới trên tuyến cột hiện có.
+ Khoảng cách giữa các cột, móng cột.
+ Khoảng cách giữa vị trí treo cáp mới với các công trình khác (trong trường hợp tuyến cáp treo nhờ trên tuyến cột điện lực, cột truyền thanh...)
+ Xác định độ sâu, chiều rộng của rãnh nước, mương ngòi, sông máng...nơi có tuyến cáp, tuyến cột đi qua.
+ Xác định điện trở suất của đất tại những vị trí cần thiết (trong trường hợp phải trang bị dây đất tuyến cho tuyến cột, dây đất cho tủ cáp, hộp cáp...)
+ Số lượng, chủng loại và chiều dài tuyến cáp treo trên tuyến cột xây dựng mới hoặc có sẵn.
- Xác định vị trí phiến đấu cáp tại giá MDF, phiến đấu cáp tại tủ, hộp cáp.
- Khảo sát vị trí lắp đặt tủ, hộp cáp.
2. Khảo sát xây dựng tuyến cống bể và tuyến cáp kéo trong cống bể:
Căn cứ vào các bước cần thiết để tiến hành khảo sát công trình xây dựng tuyến cột treo cáp và tuyến cáp treo trên đường cột có sẵn, về cơ bản nội dung báo cáo khảo sát sẽ trình bày những nội dung chủ yếu sau:
- Khảo sát tuyến cống bể cáp từ... đến... (địa danh nơi xây dựng) có tổng chiều dài tuyến là... m có dung lượng từ... đến... ống (nêu rõ số lượng ống cống cần xây dựng) (trong bản vẽ hồ sơ khảo sát có thể thể hiện vị trí xây dựng bể cáp, ganivô, cút cong... thực tế nhưng ghi chú là: vị trí dự kiến xây dựng bể cáp, ganivô, cút cong...)
- Địa hình nơi xây dựng công trình... (có thể là đồng bằng, trung du hoặc miền núi...) dọc theo đường quốc lộ, tỉnh lộ hay xuyên qua rừng, núi...
- Nêu rõ địa hình nơi xây dựng công trình là trên hè hay dưới lòng đường (loại kết cấu của vỉa hè và đường, cấp đất...).
- Vị trí nơi xây dựng công trình có giao chéo với các công trình xây dựng khác như giao thông, điện lực, cấp thoát nước, đường sắt hay không? (nếu có phải thể hiện rõ khoảng cách cần thiết trong bản vẽ hồ sơ khảo sát) để xác định chủng loại và quy cách cống bể (theo các văn bản quy định hiện hành về chủng loại bể), dung lượng đường ống (theo cấu hình đề xuất đã được phê duyệt, trong trường hợp không thể thực hiện được đúng như cấu hình đề xuất thì phải có biên bản phản ánh với các cấp có thẩm quyền).
- Căn cứ vào địa hình nơi xây dựng công trình để xác định độ chôn sâu và khoảng cách đặt đường ống cáp ở các môi trường đặt ống: vỉa hè, lòng đường, vượt đường sắt, đường bộ, vượt đường chéo qua ống cấp thoát nước, vượt chéo qua đường cáp điện lực ngầm, vượt cầu cống, ở trên dưới hay cạnh các công trình kiến trúc - xây dựng ngầm và nổi.
- Căn cứ vào địa hình nơi xây dựng công trình để xác định chủng loại ống cống cần sử dụng (ống PVC, ống PVC siêu bền hay ống sắt).
- Căn cứ vào địa hình nơi xây dựng công trình để xác định vị trí của các bể cáp, cự ly giữa các bể cáp, cự ly giữa tuyến cống bể cáp với các vật thể, các công trình khác có liên quan dọc theo tuyến cống bể cáp.
- Chiều dài, số lượng (theo cấu hình đã được phê duyệt) và chủng loại cáp (căn cứ theo khoảng cách từ giá MDF tổng đài đến thuê bao để xác định suy hao cần thiết mà vẫn đảm bảo chất lượng thông tin) đã tiến hành khảo sát, quy cách kéo cáp, bán kính cong tại các điểm uốn cong của tuyến cáp.
- Xác định xem ống cống có thông hay không? (trường hợp cáp được kéo trong tuyến cống bể có sẵn).
- Số lượng ống cống, số lượng cáp có sẵn, vị trí ống cống để kéo cáp mới trong trường hợp cáp được kéo trong tuyến cống bể có sẵn.
3. Khảo sát xây dựng tuyến cáp chôn trực tiếp:
Căn cứ vào các bước cần thiết để tiến hành khảo sát công trình xây dựng tuyến cáp chôn trực tiếp, về cơ bản nội dung báo cáo khảo sát sẽ trình bày những nội dung chủ yếu sau:
- Khảo sát tuyến cáp chôn trực tiếp từ... đến... (địa danh nơi xây dựng) có tổng chiều dài tuyến là... m có dung lượng từ... đến... đôi (nêu rõ dung lượng cáp cần xây dựng).
- Địa hình nơi xây dựng công trình... (có thể là đồng bằng, trung du hoặc miền núi...) dọc theo đường quốc lộ, tỉnh lộ hay xuyên qua rừng, núi...
- Nêu rõ chủng loại đất đá cần đào đắp các tác nhân xâm thực và ăn mòn cáp, lượng và mức nước ngầm, mức độ úng lụt đối với cáp khi có mưa bão ở vùng đặt cáp.
- Xác định rõ nơi qua cầu, ao hồ, kênh, mương máng... và xác định nơi cáp đi qua.
- Vị trí nơi xây dựng công trình có giao chéo với các công trình xây dựng khác như giao thông, điện lực, cấp thoát nước, đường sắt hay không? (nếu có phải thể hiện rõ khoảng cách cần thiết trong bản vẽ hồ sơ khảo sát) để xác định độ chôn sâu, phương pháp đặt cáp và khoảng cách đặt cáp ở các môi trường chôn cáp: ven đường, dưới ruộng, dưới mương, ngòi, suối, sông, qua cầu, qua cống, cạnh taluy dương, cạnh taluy âm và vượt chéo ở cạnh các công trình ngầm hoặc nổi khác (thể hiện chi tiết trong bản vẽ hồ sơ khảo sát).
- Xác định quy cách đặt cáp chôn trực tiếp, bán kính cong tại các điểm uốn cong của tuyến cáp (thể hiện chi tiết trong bản vẽ hồ sơ khảo sát).
- Xác định vị trí các hố nối (thể hiện chi tiết trong bản vẽ hồ sơ khảo sát).
- Xác định cự ly các vật thể, các công trình khác có liên quan dọc theo tuyến cáp (thể hiện chi tiết trong bản vẽ hồ sơ khảo sát).
4. Khảo sát mạng điện thoại nội bộ, mạng máy tính:
Căn cứ vào các bước cần thiết để tiến hành khảo sát công trình mạng điện thoại nội bộ và mạng máy tính, về cơ bản nội dung báo cáo khảo sát sẽ trình bày những nội dung chủ yếu sau:
- Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản vẽ thiết kế toà nhà (bản vẽ mặt bằng có bố trí nội thất, bản vẽ trục đứng của toà nhà , bản vẽ mặt bằng bên ngoài toà nhà...), thuyết minh dự án đã được phê duyệt để có cơ sở lập thiết kế.
- Thống nhất với đơn vị quản lý toà nhà về vị trí phòng thiết bị (nếu có), vị trí trục thông tầng, hướng cống bể đi ra khỏi toà nhà, phương án đi mạng cáp trong toà nhà (trên trần, dưới sàn, trong máng cáp chung toà nhà).
5. Khảo sát cơ sở hạ tầng thông tin di động:
Căn cứ vào các bước cần thiết để tiến hành khảo sát công trình cơ sở hạ tầng thông tin di động. Về cơ bản nội dung báo cáo khảo sát sẽ trình bày những nội dung chủ yếu sau:
- Nêu rõ được vị trí địa lý tổng thể của mặt bằng nhà trạm (địa chỉ cụ thể).
- Mặt bằng bố trí các công trình khác (nhà xe ô tô, nhà máy nổ, nhà vệ sinh, đường xe ra vào nội bộ...).
- Khảo sát chi tiết diện tích của phòng đặt thiết bị, phòng nguồn, phòng trực ca, phòng đặt máy nổ, cách đi cáp trung kế, cáp nguồn, dây đất...(theo sàn giả, cầu cáp, máng cáp).
- Các công trình, cơ sở ngầm trong phạm vi đài, trạm (phục vụ cho việc xây dựng cột Ăngten, tiếp đất cho cột Ăngten, đẳng thế giữa các công trình khác với nhà trạm và cột Ăngten).
- Vị trí, khoảng cách, công suất trạm biến thế để lấy điện lưới đưa về đài, trạm bằng cách nào (treo, đi ngầm) (điện ngoại trạm).
- Xác định toạ độ, độ cao tự nhiên của đài trạm.
- Khả năng chịu tải trọng của sàn nhà trạm, vị trí, kích thước cửa ra vào, cầu thang (có thể đưa thiết bị vào được hay không?)
- Mức độ úng lụt của khu vực nhà trạm đặt thiết bị.
- Vị trí xây dựng cột Ăngten, chủng loại cột (xác định rõ cách đi cáp Ăngten đến phòng đặt thiết bị: theo cầu cáp hay treo).
- Xác định điện trở suất của đất.
- Khảo sát chi tiết vị trí lắp đặt nguồn điện cấp cho tổng đài (điện nội trạm) như: ắc quy, máy nổ, máy nắn, tủ chuyển đổi điện tự động, ổn áp...
- Khảo sát vị trí lắp đặt các thiết bị phụ trợ kèm theo như: điều hòa không khí, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống ánh sáng cấp cho nhà trạm, hệ thống cắt lọc sét nguồn điện lưới...